Xã hội
LÀM THẾ NÀO ĐỂ THỰC SỰ THAY ĐỔI?

 Về mặt tâm lý, cảm xúc con người bao gồm cảm xúc nông và cảm xúc sâu. Những lúc bạn hừng hực khí thế muốn bắt tay vào làm một điều gì đó, sau khi được truyền cảm hứng từ những sự kiện như bên trên, khiến bạn muốn thay đổi, và bạn nghĩ rằng mình đang đầy động lực.

 Đã bao giờ bạn làm một điều gì đó và cảm thấy động lực hừng hực muốn thay đổi? Chẳng hạn xem một bộ phim, trải nghiệm một nơi xa lạ, đọc một cuốn sách, nói chuyện với một người tràn đầy năng lượng, tham gia một hội thảo, hay bất kì trải nghiệm đặc biệt nào khác… Và sau đó bạn tự nói với bản thân rằng mình sẽ quyết tâm thay đổi. Bạn bắt tay vào hành động, được mấy hôm rồi lại đâu vào đấy. Thế rồi, bạn tự dằn vặt bản thân rằng mình là cái đồ ý chí kém, không có quyết tâm, không có động lực. Động lực cứ lên, cứ xuống một cách thất thường, và không hiểu mình là thể loại gì nữa? Nếu chuyện đó xảy ra với bạn, với những người xung quanh bạn, thì đó là điều hết sức bình thường. Và bài viết này dành cho bạn.

Về mặt tâm lý, cảm xúc con người bao gồm cảm xúc nông và cảm xúc sâu. Những lúc bạn hừng hực khí thế muốn bắt tay vào làm một điều gì đó, sau khi được truyền cảm hứng từ những sự kiện như bên trên, khiến bạn muốn thay đổi, và bạn nghĩ rằng mình đang đầy động lực. Thực ra, đó lại không phải là động lực, đó chỉ là sự hưng phấn nhất thời. Rất nhiều người lầm tưởng về điều này. Để tạo ra động lực thực sự, thì phải là những người rất hiểu biết về tâm lý, nhất là tâm lý ứng dụng giúp làm rõ các vấn đề cốt lõi ở sâu bên trong con người, chẳng hạn như niềm tin, giá trị sống, mô thức hành vi, vấn đề đang gặp,... Mà cái gì ở bề nông, thì nó cũng sẽ hời hợt, giống như con sóng trên biển, lúc lên lúc xuống. Sự hưng phấn cũng như vậy, được mấy ngày lại chán, một thời gian lại có hưng phấn, rồi lại cứ thất thường.

VẬY LÀM THẾ NÀO ĐỂ THỰC SỰ THAY ĐỔI?

BJ Fogg là một giáo sư đại học Standford, với một công trình nghiên cứu 20 năm liền về hành vi con người đã chỉ ra 3 cách để con người ta tạo ra một sự thay đổi trong thời gian dài hạn. Bài viết này, dưới góc nhìn của tâm lý ứng dụng về hành vi con người, cũng như kết hợp những hiểu biết tâm lý trong văn hóa người Việt, Edward sẽ làm rõ và đào sâu 3 phương pháp ấy.

1. PHƯƠNG PHÁP 1: CÓ MỘT CÚ HUÝCH MẠNH VỀ TÂM LÍ (Have an epiphany)

Dưới góc nhìn của NLP thì bộ não mỗi người được lập trình bởi các siêu chương trình, gọi là Meta Programs. Do vậy, khi có một cú huých mạnh về tâm lí, dẫn đến thay đổi các mô thức đó, từ đó dẫn đến sự thay đổi hoàn toàn. Dĩ nhiên, ở đây có thể thấy một điều rằng: cú huých đó tích cực thì sự thay đổi là tích cực, cú huých đó là tiêu cực thì sự thay đổi là tiêu cực. Cùng xem xét một vài ví dụ thực tiễn:

Một người, kể từ khi theo đuổi một tôn giáo, họ tín ngưỡng, sùng bái và tuân theo các điều răn, các lời khuyên, các triết lý của tôn giáo đó. Và từ đó họ có những sự thay đổi trong tâm lí, tư duy, và dần ảnh hưởng đến hành vi của họ. Ví dụ, có những người khi đi theo triết lí là giữ giới của một tôn giáo thì họ từ bỏ các hành động phạm giới mà tôn giáo đó đưa ra, chẳng hạn như sát sinh, nói dối, trộm cắp, tà dâm,.. Ở đây, Edward có góc nhìn trung lập, không ủng hộ hay phản đối tôn giáo nào cả, mà chỉ đưa ra ví dụ để bạn đọc quan sát và chiêm nghiệm.

Khi một người có biến cố về tình cảm hoặc trong gia đình, người ấy cũng thay đổi hành vi. Ví dụ như một người đàn ông bao năm muốn bỏ hút thuốc lá, anh ta thử đủ mọi cách, kiềm chế bản thân, thúc ép bản thân, làm các kiểu mà vẫn không thay đổi được. Cho đến một ngày, anh ta có con. Và cú huých tình cảm chỉ đơn giản là anh ta không muốn con mình bị ung thư bởi việc hút thuốc lá của mình. Việc có đứa con là một biến cố về tâm lí bên trong anh ta. Một chàng trai vốn dĩ sống luộm thuộm, kể từ ngày có bạn gái; bỗng thay đổi hoàn toàn, trở thành một người gọn gàng, ngăn nắp, luôn biết chăm sóc cơ thể thơm tho, sạch sẽ. Có bạn gái có thể là một biến cố làm thay đổi tâm lí của chàng trai này.

Có những người, sau một cú sốc tinh thần, có thể là thất bại trong một cuộc thi lớn, bị mọi người dèm pha, chê cười. Hoặc một người sau biến cố mất đi một người thân mà họ cực kì thương yêu, có thể làm thay đổi tính cách từ một người hướng ngoại, hay nói, vui vẻ sang tính cách của người hướng nội như ít nói, trầm ngâm, trầm tính… Một sự kiện diễn ra trong quá khứ đã gây ra một cú huých về tâm lí mạnh đến mức độ có thể thay đổi tính cách một người hoàn toàn.

Tổng kết lại có thể thấy rằng muốn thay đổi lâu dài mà sử dụng phương pháp này thì không dễ, vì không phải lúc nào cũng xảy ra những sự kiện làm thay đổi tâm lí, thậm chí đôi khi những biến cố xảy ra lại mang đến sự thay đổi tiêu cực. Cho nên, nếu muốn thay đổi bằng cách này thì phải có sự tác động bởi chuyên gia: ví dụ lập trình lại các siêu chương trình (Meta Programs) bằng NLP. Tuy nhiên với điều kiện chuyên gia phải giỏi, còn không thì đôi khi lợn lành lại thành lợn què.

2. PHƯƠNG PHÁP 2: THAY ĐỔI MÔI TRƯỜNG (Change your environment what surrounds you)

Phương pháp này thì quá hiển nhiên rồi, cho nên không cần phải lí giải nhiều. Tâm lí con người, luôn luôn là như vậy, đó là chúng ta bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh chúng ta. Cái này gọi là con người thường có tâm lí bầy đàn, những người xung quanh ta như nào thì ta thường có xu hướng cư xử như vậy. Và mức độ hạnh phúc, giàu có, chất lượng cuộc sống của mỗi người là kết quả trung bình của 5 người mà họ dành thời gian cho người đó nhiều nhất.

Nếu muốn giỏi Tiếng Anh, không cần phải phương pháp gì cao siêu cả. Bạn chỉ cần sang Philippines 3-6 tháng chẳng hạn. Nếu bạn muốn giỏi Tiếng Lào, ngay cả một thứ ngôn ngữ hay chữ viết nhìn quá khó hiểu dài loằng ngoằng, chỉ cần sang Lào ở 1 năm, chắc chắn bạn sẽ khác. Môi trường có sức mạnh khủng khiếp. Đó là lí do mà có những bộ phim và câu chuyện nói về Cậu bé rừng xanh – những đứa bé được bầy sói nuôi dưỡng, và sau này ngay cả khi quay trở về thế giới loài người, nó cũng chỉ biết uống sữa và ăn thịt sống, sinh hoạt về đêm cũng như hú như bầy sói.

Phần lớn nhiều người mắc một cái bẫy tâm lí gọi là ở trong vòng tròn an toàn. Họ cũng muốn thay đổi, muốn cái nọ, muốn cái kia nhưng lại ngại, cảm thấy không thoải mái nếu phải ra khỏi vùng thoải mái. Vì thế mà họ vẫn chấp nhận môi trường sống hiện tại của họ, nếu nó không đến mức bắt buộc phải thay đổi. Chỉ khi nào ngưỡng chấp nhận của họ tăng lên, họ muốn có những thứ khác hơn, những thứ tốt hơn thì họ mới có thể thay đổi. Và thứ thay đổi khó nhất, đó là dám tìm đến một môi trường tốt hơn, tích cực hơn, mới hơn để thay đổi.

Ví dụ, muốn cơ thể thực sự khỏe mạnh, bạn có dám bước đến một môi trường mới, bỏ tiền ra để đăng kí đến phòng tập. Muốn giỏi ngoại ngữ, liệu bạn có dám lên kế hoạch cho mình tuần nào cũng phải gặp Tây. Nếu muốn suy nghĩ tích cực khi mà một số người bạn xung quanh (vô tình) suy nghĩ tiêu cực, bạn có dám thay đổi để đi tìm một cộng đồng khác biệt đi.

Người xưa hay nói “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” – đó chính là sức mạnh và tác động của môi trường. Tuy nhiên, việc thay đổi môi trường hay chọn môi trường hay quyết định tham gia một điều gì, thì đó hoàn toàn là LỰA CHỌN của từng người. Không ai chọn hộ ai được điều gì, không ai sống thay cuộc đời của ai được cả.

3. PHƯƠNG PHÁP 3: THỰC HIỆN LIÊN TIẾP CÁC THAY ĐỔI NHỎ (Take baby steps)

Nhược điểm của phương pháp này đó là mỗi ngày bạn chỉ nhích lên chút xíu, và đòi hỏi sự siêu kiên nhẫn, sẵn sàng làm một điều gì đó là phải rèn luyện theo từng năm trời, chứ không phải là tạo kết quả đột phá như phương pháp 1 – có một cú huých về tâm lí. Tuy nhiên, ưu điểm của phương pháp này là bạn có thể thực hiện được bất kì lúc nào, ngay cả khi mệt mỏi mà không phụ thuộc vào cảm hứng, cũng chẳng lệ thuộc vào yếu tố môi trường.

Cái này người ta gọi là “mưa dần thấm lâu”. Chẳng hạn khi mới thay đổi thói quen, mỗi ngày chỉ cần tập thể dục 5 phút, chỉ cần đọc 1 trang sách, chỉ cần học tiếng Anh 10 phút, chỉ cần tập thiền 5 phút, … Mọi thứ đều rất dễ để bắt đầu và chỉ cần tuân thủ nguyên tắc là kiên trì, kiên trì, kiên trì lặp đi lặp lại. Một trong những lý do khiến nhiều người không thay đổi lâu dài được là căn bệnh tham lam. Tức cái gì cũng muốn thay đổi, cái gì về bản thân cũng không hài lòng. Thế nhưng bộ não không thể đột ngột thay đổi một cái gì đó mà nó chưa quen.

Cho nên, nếu kiên trì thay đổi từng xíu một, theo nguyên tắc về thói quen đó là một cái gì đó lặp đi lặp lại 28 ngày, nó sẽ trở thành thói quen. Hãy hình dung nếu bạn bỏ ra 3 tháng để rèn luyện một thói quen mới tích cực, duy nhất chỉ một thói quen mà thôi. Thì cho dù bạn có là người kém thông minh nhất, tiếp thu chậm nhất, rèn luyện yếu nhất thì bạn cũng làm được. 3 tháng để đổi lấy một thói quen và làm từ những hành động nhỏ, bất kì ai cũng làm được. Và nếu như sau 3 tháng bạn thành công với một thói quen, đồng nghĩa một năm bạn có 4 thói quen, và sau 5 năm bạn có 20 thói quen. Mà theo thống kê của những nghiên cứu về tập hợp người thành công nhất trên thế giới, họ không có quá 10 thói quen lõi quan trọng. Cho nên, ngay cả khi 3 tháng bạn mới có 1 thói quen thì sự kiên trì sau vài năm cũng đủ để bạn tạo ra sự thay đổi lớn trong cuộc đời mình.

Chẳng hạn như tập thể dục, suy nghĩ tích cực, đọc, thiền định, duy trì mối quan hệ chất lượng, trải nghiệm,... Vậy thì nếu bạn đánh đổi 3 năm sắp tới, chỉ để rèn luyện 10 thói quen tích cực, và bắt đầu từ những thay đổi nhỏ thì chừng đó thôi cũng đủ để bạn tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của mình. Bản thân Edward cũng vậy, một trong những thói quen lõi mà mấy năm nay Edward đều nỗ lực để xây dựng, đó chính là nâng cấp bản thân bằng việc đọc hàng ngày, cập nhật kiến thức trên thế giới về đủ các lĩnh vực. Mà để có kiến thức cập nhật thì buộc phải rèn luyện ngoại ngữ cũng như bỏ thói quen đọc mấy báo lá cải, và cách đo lường đôi khi rất đơn giản, đó là đọc tài liệu Tiếng Anh nhiều hơn Tiếng Việt.

Tuy nhiên, nhìn một cách khách quan thì phương pháp này thường đúng với những thói quen đều đặn hàng ngày đều dùng, mới gọi là mưa dần thấm lâu. Còn những thứ thuộc về chuyên môn, tư duy (mind set), kỹ năng, thì để tạo sự bứt phá bạn buộc phải có sự tập trung rèn luyện liên tục, cũng như phải có cú huých về tâm lí (như phương pháp 1). Mà đôi khi một số nghiên cứu nói rằng, công thức vàng để thành chuyên gia là tập trung liên tục 5-10 năm để đạt được 10,000h tạo sự tinh thông trong lĩnh vực mình làm. Sự đột phá này, thì lại không thể mưa dần thấm lâu được.

Với 3 cách thay đổi đó, bạn muốn thực sự THAY ĐỔI điều gì cho chính bản thân mình?

 

Nguồn  : TS Lê Thẩm Dương