Xã hội
Phí ôtô: Vì 1 người bị bệnh, bắt xã hội uống thuốc?

(VEF.VN) - Không thể vì một người bị bệnh mà bắt cả xã hội uống thuốc, không thể vì vấn đề kẹt xe ở Hà Nội và TP.HCM mà lấy cớ tăng đủ các loại thuế, phí lên xe ôtô - trong khi ở nông thôn, các thành phố nhỏ ôtô vẫn đi thoải mái.


LTS: Tranh cãi gay gắt xung quanh vấn đề thu phí đường bộ với ôtô, xe máy, Diễn đàn Kinh tế VN (VEF.VN) - báo VietNamNet nhận được hàng nghìn phản hồi của độc giả. Để đảm bảo thông tin đa chiều, chúng tôi chọn đăng bài viết của tác giả Bùi Văn Xuân. Mời độc giả tiếp tục tham gia tranh luận.

Tăng thuế, thêm phí: Nói không với công nghiệp ôtô?

Giấc mơ có một ngành công nghiệp ôtô, được đi những chiếc ôtô Made in Vietnam, là hoàn toàn chính đáng. Bởi kinh tế phát triển, người ta có quyền đòi hỏi cao hơn về chất lượng cuộc sống. Về một góc độ nào đó, ôtô là thước đo trình độ phát triển của đất nước. Ôtô là sản phẩm tổng hợp của một nền cơ khí điện, điện tử, vật liệu có trình độ phát triển cao.

Một đất nước hơn 80 triệu dân (và tương lai sẽ lên đến hàng trăm triệu) trải dài hàng nghìn km, không thể nói là đã CNH-HĐH khi không có bóng dáng một chút sản phẩm nào (theo đúng nghĩa của từ này) của ngành công nghiệp ôtô. Bản thân ngành công nghiệp ôtô nước ta (tuy ở mức sơ khai) nhưng những năm qua đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế: thông qua đóng thuế, giải quyết công ăn việc làm cho hàng vạn lao động trực tiếp và hàng  chục vạn lao động gián tiếp (sửa chữa, bảo dưỡng, bán hàng... ), kéo theo nhiều ngành phụ trợ khác (sắt, thép, nhựa, cao su... ).

Tuy nhiên, nền công nghiệp ôtô Việt Nam gần như dẫm chân tại chỗ. Nguyên nhân thì nhiều, song cơ bản là tầm nhìn ngắn hạn với những chính sách "bốc đồng", liên tục thay đổi, không có chiến lược bài bản dài hơi.

Bây giời, lại thêm các loại thuế, phí chồng chất đánh vào người mua xe với đủ các lý do. Thu nhập của người dân có hạn, sức mua thấp, với nhiều loạt thuế, phí đè nặng càng làm thị trường thêm bị bóp nghẹt (300 triệu một chiếc xe có rất nhiều người mua được, nhưng đến 1 tỷ một chiếc thì số người có khả năng sở hữu xe ôtô sẽ giảm đi rất nhiều).

Bài học ngành công nghiệp xe máy còn rất nóng hổi. Với lý do hạ tầng giao thông chưa phát triển, những năm thập kỷ 90, thuế xe máy rất cao, chiếc xe Dream sản xuất ở Việt Nam có giá đến 2.700 USD/chiếc, vì vậy ít người mua được, nhà sản xuất chỉ lắp ráp. Nhưng khi giá xe hạ xuống mức hợp lý, thị trường tiêu thụ mở rộng, sức mua tăng lên, ngành công nghiệp sản xuất xe máy ở Việt Nam đã thực sự bùng nổ và chẳng ép buộc, nhà đầu tư đã tự bỏ hàng trăm triệu USD để đầu tư nâng tỷ lệ nội địa hoá cũng như sản lượng lên.

Hiện nay, trong khi "bóng ma" lạm phát còn lảng vảng, các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất ôtô đang "bơi" trong khó khăn, thì việc thu phí bảo trì đường bộ "khủng" lại đánh trực tiếp vào ôtô, làm cho giá thành, chi phí cho mua, vận hành một chiếc xe tiếp tục đội lên cao. Nhiều người đành từ bỏ ý định mua xe, thị trường càng đã bó hẹp nay lại càng bị thu hẹp thêm. Nhà sản xuất, kinh doanh chán nản và có thể, còn khiến giá thành các loại hàng hoá khác tăng theo.

Không thể vì một người bị bệnh mà bắt cả xã hội uống thuốc, không thể vì vấn đề kẹt xe ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mà lấy cớ tăng đủ các loại thuế, phí lên xe ôtô - trong khi ở nông thôn, các thành phố nhỏ ôtô vẫn đi thoải mái. Nếu muốn hạn chế sử dụng xe ở 2 thành phố lớn trên thì không thiếu cách: thu tiền khi xe vào trung tâm, hoặc tiền đăng ký hoặc xe đỗ bên đường... và những người sống ở đây phải chấp nhận, nếu không thì hãy chuyển đi nơi khác.

Thời hạn áp dụng AFTA (nhập khẩu ô tô 2018 giữa các nước trong khối ASEAN) đang đến gần. Nếu không có một chính sách toàn diện, tầm nhìn chiến lược lâu dài, bao quát, thấu đáo với ngành công nghiệp ôtô Việt Nam cũng như với toàn thể xã hội; nếu vẫn chỉ vì một lợi ích cục bộ, trước mắt của một ngành hoặc một nhóm người thì khả năng ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến lúc đó cũng sẽ "lặn" mất tăm mà thôi.