Phóng viên DĐDN đã có cuộc trò chuyện với ông Vũ Xuân Thiện – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS, Bộ Xây dựng để làm rõ hơn vấn đề này.
Tiềm năng mà chưa hiện thực
- Sau khi quy hoạch Hà Nội được thông qua nó đã tác động thế nào đến thị trường BĐS đang trầm lắng hiện nay thưa ông?
ÔngVũ Xuân Thiện - Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường BĐS, Bộ Xây dựng
|
Quy hoạch Thủ đô trong giai đoạn đưa ra lấy ý kiến, góp ý thì được người dân cũng như giới đầu tư đặc biệt quan tâm. Hệ quả của sự quan tâm đó là thị trường BĐS đã có biến động lớn, tính thanh khoản tăng lên rõ rệt.
Tuy nhiên, kể từ khi quy hoạch được ký thông qua gần hai tháng nay thì sự quan tâm của giới đầu tư đối với quy hoạch đã giảm đi rất nhiều. Nguyên nhân có thể là do trước đó người dân nói chung và giới đầu tư nói riêng vẫn hy vọng quy hoạch được phê duyệt thì sẽ giải quyết được mọi ách tắc, trong khi giới đầu tư thì muốn đi tắt đón đầu để đạt được lợi nhuận. Và khi quy hoạch được thông qua, mọi người mới thấy rằng, nó không thể giải quyết ngay được mọi ách tắc trong vấn đề hạ tầng, quy hoạch, và thậm chí là số phận 700 dự án phải tạm dừng, hoãn vẫn chưa thể quyết được.
- Tức là giới đầu tư đã không mấy mặn mà, thưa ông?
Đúng, giới đầu tư đã tỏ ra không mấy mặn mà, họ thận trọng hơn với đồ án bởi những cú vấp trước đó. Những thông tin trong đồ án dù đã được công khai nhưng nó mới chỉ dừng ở cấp độ chung, còn các quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu, các dự án trọng điểm thì vẫn là những ẩn số.
- Vậy theo ông làm thế nào để thị trường BĐS sôi động trở lại?
Quy hoạch Hà Nội là rất có tiềm năng với thị trường BĐS và đến thời điểm này nó mới chỉ là tiềm năng, chưa biến thành hiện thực. Bởi vậy, các nhà quản lý ở các địa phương, các quận, huyện, đặc biệt là các nhà quản lý các Bộ, ngành có liên quan phải hỗ trợ đưa quy hoạch vào thực tiễn. Có như vậy thì thị trường BĐS tiềm năng mới thành hiện thực.
100% dự án chậm tiến độ
- Trong thời gian gần đây, giá các dự án BĐS đang trên đà giảm mạnh. Ông có nhận định gì về hiện tượng này?
Tôi lấy ví dụ ở Thành phố Hà Nội. Theo đánh giá và khảo sát thực tế, từ đầu 2009 – 2010, giá BĐS tăng mạnh. Nhưng từ cuối năm 2010 đến tháng 8/2011 giá BĐS đặc biệt là chung cư, đất nền bị giảm giá đáng kể. Giá BĐS biến động tùy theo từng loại. Ví dụ như nhà chung cư cao cấp từ 30 triệu trở lên là giảm mạnh nhất trong khi giá chung cư trung bình lại không bị dao động.
Tôi khẳng định, mặc dù giá ở một số dự án giảm nhưng vẫn cao hơn năm 2010. Thị trường có rơi vào tình trạng trầm lắng nhưng không đến mức suy thoái, đổ vỡ như chúng ta nói. Phải chăng là chúng ta lo hơi sớm.
Giới đầu tư tỏ ra không mấy mặn mà, thậm chí họ thận trọng hơn với đồ án
bởi những cú vấp trước đó
- Là một nhà quản lý, theo ông thị trường BĐS của ta còn tồn tại những khó khăn gì?
Thị trường BĐS đang tồn tại 6 khó khăn. Thứ nhất là về giá cả hàng hóa BĐS. Theo kết quả khảo sát thực tế, giá BĐS nói chung và nhà ở nói riêng tại các khu đô thị lớn đang quá cao so với mặt bằng chung của người dân. Thứ hai là về cơ cấu về hàng hóa BĐS đặc biệt là nhà ở còn bất hợp lý, chưa cân đối. Chính vì vậy có những phân khúc kinh doanh tốt, có những phân khúc trầm lắng. Đặc biệt, trong các năm qua các dự án chỉ tập trung xây dựng nhà ở cao cấp, chung cư cao cấp, rồi đầu tư vào biệt thự trong khi bỏ hẳn phân khúc có thị trường lớn là nhà ở cho người thu nhập thấp. Và đặc biệt là chưa doanh nghiệp nào đề cập đến việc xây nhà cho thuê trong khi nhu cầu của phân khúc này cũng không phải nhỏ. Thứ ba là hệ thống tài chính về BĐS chưa hoàn thiện, chưa được quan tâm một cách đúng mức. Thứ tư là hiện tượng đầu cơ, kích giá và mua bán theo tâm lý đám đông khiến thị trường trở nên thiếu tính minh bạch khiến cho việc tiếp cận nhà ở là hết sức khó khăn. Thứ năm là hiện nay các vi phạm trong kinh doanh BĐS diễn ra phổ biến. Điển hình như việc chậm tiến độ diễn ra phổ biến, thậm chí là ở 100% các dự án. Để khắc phục vấn đề này là một vấn đề nan giải nhưng phải quyết tâm. Và cuối cùng là tiến độ chậm dẫn đến hàng hóa thị trường không đáp ứng kịp thời.
- Vậy theo ông cần có giải pháp gì để khắc phục những khó khăn trên?
Để hạn chế những khó khăn trên theo tôi cần phải hoàn thiện về cơ chế chính sách như cơ chế chính sách về đất đai, vốn, thuế; vận động DN tập trung vào nhà giá thấp; đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án để tăng nguồn cung cho thị trường; kiểm soát dòng vốn đầu tư vào thị trường BĐS; điều chỉnh cơ cấu nhà ở trong các dự án nhằm đáp ứng nhà ở cho dân; và cuối cùng là phải tuyên truyền và thanh, kiểm tra các vi phạm trong kinh doanh BĐS.
- Vâng! Xin cảm ơn ông.
Lưu Vân thực hiện