Thanh khoản ngân hàng tốt lên
Thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện
|
Những điều chỉnh này không quá bất ngờ cho thị trường, bởi trước đó, từ tháng 5.2011, Ngân hàng Nhà nước đã có những thay đổi trong điều hành khi bơm ra khoảng 25.000 tỉ đồng để mua vào hơn 1,2 tỉ USD, đồng thời bơm ra khoảng gần 70.000 tỉ đồng qua cửa tái cấp vốn. Và trong cuộc trao đổi với giới truyền thông mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cũng phát đi thông điệp sẽ linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, thay vì thắt chặt như trước.
Tổng thư ký hiệp hội Ngân hàng Dương Thu Hương ghi nhận: thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện, một trong những biểu hiện rõ nét là giao dịch liên ngân hàng đã bớt nóng cả về lãi suất, giao dịch. Lãi suất VND mặc dù vẫn có hiện tượng vượt trần, song mức chênh lệch sau thỏa thuận cũng giảm xuống, kể cả những khoản vay lớn. Đến cuối tháng 6, tổng phương tiện thanh toán cũng tăng nhanh lên 2,33% so với cuối tháng 12.2010 (trong khi 5 tháng đầu năm mới đạt mức tăng 1,6%).
Phó tổng giám đốc ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) Nguyễn Thanh Toại cho biết, mặc dù thị trường chưa xuất hiện dấu hiệu chấp nhận mặt bằng lãi suất thấp hơn mức 14%, song dòng vốn của ACB cũng có những bước chuyện động tích cực hơn, như bức tranh chung của cả hệ thống. Mức tăng mạnh của phương tiện thanh toán trong tháng 6, theo ông Toại đã góp phần hỗ trợ tích cực cho các ngân hàng nhỏ.
Lãi suất bớt nóng
Mặc dù vậy, ông Toại cho rằng, còn quá sớm để khẳng định xu hướng nới lỏng tiền tệ tại thời điểm này. Sự linh hoạt, theo khẳng định của NHNN cũng có những tác động tích cực đến thị trường tiền tệ vừa qua, song mặt khác, cũng có thể liên tục thay đổi, hơn nữa, cũng khiến các ngân hàng rất khó để dự đoán được xu hướng thị trường, do vậy không dự kiến được các bước đi. “Cho nên, các ngân hàng cũng buộc phải tìm mọi cách “linh hoạt” theo để có thể thích ứng trong sự chuyển động của chính sách, thị trường hiện nay”, ông Toại nói.
Theo đó, ACB bắt đầu thúc đẩy hoạt động tín dụng. Mặc dù bị giới hạn bởi “room” tăng trưởng 20% cho cả năm, song ngân hàng cũng xác định trong thời điểm khó khăn này là cơ hội để tìm kiếm khách hàng tốt, hoạt động hiệu quả, có khả năng trả nợ. Ồng Toại nói: “Dòng tiền được đổ vào nền kinh tế, mới có cơ hội quay trở lại ngân hàng. Chỉ có điều, chúng tôi sẽ phải rà soát chặt chẽ tổng dư nợ như yêu cầu”.
Tổng giám đốc một công ty kinh doanh mặt hàng cơ khí xác nhận, mới đây đã nhận được lời mời tìm hiểu cơ hội vay vốn của một số ngân hàng – điều mà vài tháng trước đây doanh nghiệp này lần lượt bị từ chối khi gõ cửa hết ngân hàng này đến ngân hàng khác.
Lãi suất vay vốn cũng có điều kiện để bớt “nóng bỏng”. Phó tổng giám đốc công ty chứng khoán Thăng Long Quách Mạnh Hào nhận định: lãi suất OMO giảm sẽ giúp chi phí lãi suất đầu vào của các ngân hàng giảm, kéo theo cơ hội giảm cả trên thị trường liên ngân hàng cũng như hoạt động cho vay ra. Một trong những phản ứng tích cực đầu tiên là thị trường chứng khoán đã tăng mạnh trong phiên giao dịch sáng 6.7, sau một chuỗi ngày dài lao dốc.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng TMCP tại Hà Nội cho biết, ngân hàng này cũng đang tính toán giảm lãi suất cho vay ra, đặc biệt với một số khách hàng thân thiết. Theo ông, lãi suất cho vay hợp lý chỉ ở mức 13 – 15%, doanh nghiệp mới có khả năng chịu đựng và cũng bớt rủi ro cho chính ngân hàng. Tuy mức giảm lãi suất được ngân hàng này xem xét không nhiều, nhưng ông kỳ vọng, thị trường sẽ điều chỉnh theo từng bước, với xu hướng tích cực.
Thảo Nguyễn