NDT tăng giá hay không?
Đầu tuần trước, tỷ giá giao dịch ở Bắc Kinh là 6,4696 NDT ăn 1 USD, tính ra so với USD, NDT đã tăng giá 5,5% trong 12 tháng qua. Hôm 22/6, Ngân hàng trung ương Trung Quốc lại nâng tỷ giá giữa NDT và USD thêm 0,43%, lên mức 6,7980 NDT ăn 1 USD, đồng thời tuyên bố sẽ tăng tính linh hoạt của tỷ giá NDT.
Động thái này được đưa ra trong bối cảnh gần đây các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, gây áp lực mạnh mẽ đề nghị Trung Quốc nới lỏng chính sách tỷ giá. Người Mỹ cho rằng, đồng NDT bị định giá thấp một cách giả tạo từ 25% đến 40% để tạo lợi thế không công bằng cho hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc. Tuy nhiên Bắc Kinh luôn phản đối điều đó và từ chối thả lỏng tỷ giá để cho đồng NDT được lên xuống theo cung - cầu của thị trường vì lo ngại đồng tiền tăng giá sẽ làm xói mòn sức cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc. Trong thực tế, cả hai quan điểm trên đều không chính xác: đồng NDT tăng giá ảnh hưởng rất ít tới các doanh nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc và không làm cho sự chênh lệch trong cán cân thương mại Trung - Mỹ giảm đi.
Số liệu của Văn phòng thống kê lao động Mỹ cho thấy, tính bình quân, giá hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ trong tháng 5/2011 cao hơn 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái; mức tăng này chỉ bằng 1/2 so với mức tăng giá đồng tiền. Như vậy sự tăng giá của NDT so với USD chỉ được chuyển dịch một phần vào giá hàng hóa. Sự cải thiện năng suất lao động và thái độ chấp nhận giảm bớt biên độ lợi nhuận của các doanh nghiệp Trung Quốc đã giúp họ triệt tiêu được tác động tiêu cực của sự tăng giá NDT lên tính cạnh tranh của sản phẩm. Chính vì vậy, mặc dù giá cả hàng hóa Trung Quốc tăng nhưng khối lượng nhập khẩu vào Mỹ không hề giảm, khiến cho thâm hụt thương mại của Mỹ trong buôn bán với Trung Quốc trong bốn tháng đầu năm nay cao hơn bốn tháng đầu năm ngoái.
Trong mối quan hệ NDT/USD, chỉ có thể nói NDT tăng giá nếu USD đứng yên, nhưng trong một năm qua đồng đô la Mỹ liên tục giảm giá do chính sách tiền tệ nới lỏng của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Nói cho đúng, sự thay đổi tỷ giá NDT/USD một năm qua không phải do đồng NDT tăng giá mà do đồng USD giảm giá. Lập luận của Bắc Kinh rằng, tỷ giá đồng NDT đã được linh hoạt theo yêu cầu của các đối tác thương mại đã không phản ánh đúng thực tế.
Theo nhiều nhà phân tích kinh tế, nếu so với rổ ngoại tệ được Bắc Kinh dùng làm căn cứ để xác định tỷ giá thì trong 12 tháng qua đồng NDT Trung Quốc đã giảm giá 3,7%, với từng đồng tiền cụ thể thì mức giảm đó có thay đổi, chẳng hạn so với yên Nhật đồng NDT giảm 5%, đặc biệt giảm giá tới 8,4% so với đồng euro châu Âu. Đây quả là một tin đáng lo cho ngành công nghiệp chế tạo của các nước đang bị khủng hoảng nợ vây khốn như Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vì họ không thể cạnh tranh với Trung Quốc để đẩy mạnh xuất khẩu, cân bằng thương mại và ngân sách và làm giảm sức ép thất nghiệp.
Các nền kinh tế khác trên toàn cầu cũng rơi vào tình trạng tương tự, cho nên báo Wall Street Journal nhận định: “Một năm từ ngày chấm dứt sự ràng buộc đồng NDT vào USD, trên bình diện cạnh tranh, phần lớn thế giới đều tệ hơn chứ không phải tốt hơn trong việc chống lại đồng tiền Trung Quốc”.
Doanh nghiệp di cư
Cho đến nay Mỹ là nước “to tiếng” nhất trong việc yêu cầu Bắc Kinh nâng giá đồng bạc nhằm giải quyết sự thâm hụt thương mại kinh niên với Trung Quốc. Có điều, suy cho cùng đồng NDT mạnh lên mang lại rất ít lợi lộc cho Mỹ. Kỳ vọng đồng NDT tăng giá sẽ làm cho hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ và định giá bằng USD sẽ trở nên đắt đỏ hơn, ít hấp dẫn người tiêu dùng Mỹ hơn, từ đó giúp làm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc tỏ ra là một kỳ vọng thiếu thực tế, như số liệu thương mại Mỹ - Trung bốn tháng đầu năm nay cho thấy. Vả lại, nếu hàng hóa từ Trung Quốc đắt lên, người Mỹ vẫn sẽ mua hàng từ các nền kinh tế khác, rẻ hơn và cán cân thương mại của Mỹ vẫn mất cân bằng.
Trung Quốc thường nói đồng NDT đang được nâng giá dần dần, tỷ giá đang được nới lỏng, nhưng thực tế Bắc Kinh vẫn kiểm soát chặt chính sách tỷ giá để duy trì lợi thế cho hàng xuất khẩu
|
Nếu đồng NDT tăng giá thì chính các nền kinh tế đang phát triển, sản xuất những mặt hàng có giá trị thấp, sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, trước hết là nhờ sự di cư của doanh nghiệp. Theo các nhà kinh tế, nếu đồng NDT tăng giá so với USD đến mức mà doanh nghiệp không còn lợi nhuận thì các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải chuyển tới những quốc gia có chi phí thấp hơn và có chính sách tỷ giá không làm méo mó hoạt động thương mại. Bên cạnh yếu tố tỷ giá, tình trạng thiếu lao động và lương công nhân tăng vọt ở Trung Quốc trong hai năm gần đây càng thúc đẩy xu thế chuyển dịch này.
Ông David Carbon, trưởng bộ phận nghiên cứu tiền tệ và kinh tế của Ngân hàng DBS Bank có trụ sở tại Singapore cho rằng, việc di cư các nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu có giá trị thấp đã có từ sau chiến tranh thế giới thứ hai và sẽ kéo dài trong tương lai, bắt đầu từ Nhật Bản, chuyển sang Singapore, Hồng Kông, Hàn Quốc, Đài Loan rồi đến Trung Quốc. “Những nước sẽ tiếp nối Trung Quốc là Ấn Độ và Việt Nam”, ông Carbon nói.
Nhiều bên cùng cơ lợi
Theo báo Wall Street Journal, nếu đồng NDT tệ tăng giá thì Việt Nam là nước có lợi nhất. Sau nhiều lần điều chỉnh tỷ giá đồng Việt Nam so với USD trong năm qua, đồng Việt Nam hiện đã giảm giá 14% so với NDT và điều đó càng thôi thúc các nhà sản xuất đẩy mạnh việc di chuyển cơ sở sản xuất. Ông Tim Condon, nhà kinh tế chính về châu Á của Ngân hàng ING Groep NV nhận xét: “Giờ đây Trung Quốc có những ngành công nghiệp đang vào buổi chiều tà, nhưng đối với họ, mặt trời đang mọc ở những nước như Việt Nam”. Những ngành công nghiệp nhẹ như dệt may nằm trong số những ngành có khả năng di cư cao nhất, theo ông Condon.
Đối với Mỹ, xu thế di chuyển này cũng mang lại lợi ích. Một số nhà quan sát ở Mỹ đã bắt đầu cảnh báo, giá hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc tăng đang gây sức ép lạm phát lên kinh tế Mỹ, buộc Fed phải có chính sách đối phó, có thể là siết chặt tín dụng trong thời gian tới. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu các cơ sở sản xuất được chuyển tới các nước có chi phí thấp hơn, thì tác động của sự tăng giá đồng NDT đối với lạm phát ở Mỹ hoàn toàn có thể hóa giải được nhờ nguồn hàng nhập khẩu từ các nền kinh tế ngoài Trung Quốc.
Nhật Bản, đang trong tiến trình tái thiết sau thảm họa sóng thần, cũng được lợi theo một cách khác với Việt Nam. Nhật Bản chuyên xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao mà Trung Quốc không phải là đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Mối lợi lớn nhất cho Nhật khi đồng NDT tăng giá không phải là nâng cao năng lực cạnh tranh với hàng Trung Quốc trên thị trường thế giới mà nằm ở chỗ Nhật có cơ hội mở rộng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Trong năm qua, mặc dù đồng NDT giảm giá mạnh so với đồng yên, trong thương mại với Trung Quốc Nhật vẫn có thặng dư 49,6 tỉ đô la Mỹ. Nếu đồng NDT tăng giá, hàng xuất khẩu của Nhật vào Trung Quốc sẽ rẻ hơn, nâng đỡ tiến trình phục hồi kinh tế của nước này.
Trung Quốc thường nói đồng NDT đang được nâng giá dần dần, tỷ giá đang được nới lỏng nhưng thực tế Bắc Kinh vẫn kiểm soát chặt chính sách tỷ giá để duy trì lợi thế cho hàng xuất khẩu. Vì quyền lợi của mình và vì sự công bằng trong thương mại, đã đến lúc các nước cùng lên tiếng, buộc Trung Quốc phải thay đổi.
Thái Bình (tổng hợp)