Xã hội
Chính sách và sự tôn trọng quy luật thị trường

(VEF.VN) - Sắp bước vào nửa cuối 2011, nền kinh tế đã thấm mệt với khủng hoảng mấy năm liên tiếp. Nhưng có thể thấy, những mệnh lệnh hành chính và sự can thiệp quá sâu vào thị trường không phải là giải pháp hiệu quả.

Sự trở lại vô thức?

Trong quá khứ, chúng ta đã chứng kiến các quyết định thời bao cấp như mua và cung cấp bánh mì, bột mì, gạo, lúa mì, khoai củ quả, đường, sữa, nhu yếu phẩm, mua bia kèm mồi, .v.v. bất chấp cung - cầu của người dân dẫn đến lệch lạc và sai lầm cả cán cân cung - cầu thực sự. Hệ lụy là một nền kinh tế trì trệ luôn phải điều chỉnh giá, rồi lương, rồi tiền, đi sau thị trường, có tính đối phó ngắn hạn, chậm phát triển hàng thập kỷ.

Hiện nay, năng lực của các ngân hàng lớn nhỏ có khác nhau, nhưng chính sách đang quy định lãi suất huy động trần như nhau là 14% khiến các ngân hàng thiếu thanh khoản buộc phải xé rào, trả thêm 3-5% bên ngoài cho người gửi tiết kiệm, đẩy lãi suất huy động và cả cho vay lên cao, kéo theo cuộc đua lãi suất cả đầu vào và đầu ra của cả hệ thống ngân hàng!

Nhớ lại năm 2008, quy định lãi suất cho vay không quá 15% lãi suất cơ bản nhưng rốt cục các ngân hàng vẫn lách luật bằng các loại phụ phí, nếu muốn!

Quy định về hạn chế xuất nhập khẩu vàng, cuối cùng cũng có doanh nghiệp xuất cả tấn vàng nữ trang (hoặc đã lách luật vì nữ trang được xuất ngoại làm nguyên liệu đúc vàng miếng) khi giá vàng được cho là đã cao (nhưng sau đó còn cao hơn nữa trên thị trường thế giới). Thị trường vàng biến động khi người dân thấy đồng tiền mất giá thì tích lũy và phòng thủ bằng cách mua vàng tích trữ lại càng làm giá vàng lên cao. Nếu muốn cấm hay hạn chế kinh doanh vàng có điều kiện thì dường như đi ngược lại quy luật thị trường (có cung phải ắt có cầu và ngược lại). Nếu cấm chỗ này ắt sẽ phải xuất hiện kiểu tích lũy khác hoặc sẽ có thị trường đen, thị trường ngầm càng khó kiểm soát hơn.

Chính sách lãi suất cao khiến doanh nghiệp co cụm lại, thoi thóp thở.

Chính phủ muốn xóa bỏ các giấy phép con gây cản trở cho việc phát triển doanh nghiệp nhưng thời gian sau kiểm tra lại, số giấy phép con bị xóa bỏ ít hơn số phép con ra đời mới, số lượng giấy phép con lại càng nhiều thêm. Các vấn đề thuộc về nguyên lý, nguyên tắc vẫn chưa được tôn trọng và tuân thủ.

Quy định lương tối thiểu là 830.000 đồng trong khi ai cũng biết công nhân khó mà sống với mức lương tối thiểu này, vậy quy định mà không có giá trị thực tiễn thì ít nhiều mất đi ý nghĩa. Cách chấm lương nhà nước theo bậc, hệ số từ thời bao cấp bao nhiêu năm nay vẫn chưa thể mạnh dạn xóa bỏ hay cải cách.

Thuế thu nhập cá nhân là dĩ nhiên và tất yếu nhưng vẫn chưa phân biệt, phân loại các đối tượng được miễn trừ gia cảnh rõ ràng, nhiều bất cập dẫn đến sự thiếu công bằng, tính "chung chung", làm người dân và doanh nghiệp không hào hứng và nhận thức rõ trách nhiệm và quyền lợi khi nộp thuế thu nhập.

Khi có lạm phát thì thắt chặt tín dụng, thắt cả tín dụng tốt và xấu, thắt luôn cả cơ hội tăng trưởng và phát triển của các doanh nghiệp đang tuổi ăn tuổi lớn, ảnh hưởng tới sự phát triển của nền  kinh tế.

Điều tiết theo thị trường

Thực tế cho thấy, chính sách kinh tế chỉ huy có thể thành công trong thời chiến nhờ tinh thần xả thân hy sinh của người dân vì sự nghiệp cứu nước quên mình, như các nông trang tập thể thời Xô-viết ở các nước thuộc Liên Xô cũ. Nhưng thành công không thể được duy trì nếu không chuyển đổi kịp thời sang kinh tế thị trường dựa trên quy luật cung cầu, chấp nhận quy luật cạnh tranh và tôn trọng giá trị sở hữu tư nhân.

Có một sự đấu tranh giằng co cả về tư tưởng lẫn hành động của mỗi người khi ra quyết định nên dựa vào cảm tính hay lý tính. Khi các quyết định về kinh tế vĩ mô được đưa ra dựa trên nền tảng tôn trọng một nền kinh tế thị trường nhất quán, trước sau như một, sẽ khiến người dân và doanh nghiệp dễ hiểu, dễ thông cảm hơn là các quyết định dựa trên cảm tính, các quyết định có tính đối phó với các phát sinh ngắn hạn trong nền kinh tế.

 

Đặc biệt các quyết định có tính nhạy cảm, phạm vi ảnh hưởng rộng đến mọi tầng lớp nhân dân như chính sách quy hoạch đất đai, chính sách thuế, chính sách tiền tệ và tài khóa ..v..v. thì cần có các chuyên gia được đào tạo thực sự, các chuyên gia có kinh nghiệm điều hành, các chuyên gia có kinh nghiệm thành công trong quá khứ ở lĩnh vực tương tự.

Không thể làm theo kiểu làm tới đâu sửa sai tới đó, chính sách ban hành kiểu "giật cục".

Ví dụ: quy hoạch đất ở địa phương làm chức năng công trình có tính công cộng khiến người dân buộc phải chấp nhận giá đền bù thấp nhưng sau đó một số đại gia âm thầm mua đất tại đây, và tiếp theo là các quyết định thay đổi và điều chỉnh quy hoạch theo chiều hướng có lợi nhất cho các đại gia này! Thêm vào đó các quy hoạch treo, không triển khai dự án làm "treo" luôn các quyền lợi của dân như mua bán, chuyển nhượng, làm hộ khẩu, số nhà, đăng ký cho con đi học ..v..v.

Ví dụ khác, nếu giả sử ai biết trước thời điểm Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh VND giảm giá so với USD gần 10% mà mua trước USD thì sẽ thu lợi nhuận lớn ngay lập tức dù trước đó USD được kiềm giá công khai.

Chính sách lãi suất cao để chống lạm phát như hiện nay khiến lãi suất huy động và cho vay tăng vọt quá sức chịu đựng của nền kinh tế, làm doanh nghiệp co cụm lại, thoi thóp thở, tiết kiệm năng lượng, cắt giảm nhân sự, ngưng ngay các hoạt động nào không có tính sống còn.

Điều này cũng lập tức ảnh hưởng lên giá cả đời sống của người lao động. Tô bánh canh bình dân cho sinh viên tăng nhanh từ 11.000 lên 14.000 đồng; giá cơm bình dân cũng đã tới 14.000-20.000 đồng so với 8.000-12.000 đồng trước đây - rõ ràng mức lương tối thiểu nhà nước quy định không trả nổi tiền cơm ngày 3 bữa.

Các bà nội trợ thì bảo rằng không hiểu sao các bác "kinh tế vĩ mô" tính toán thế nào chứ lạm phát và giá tiêu dùng đã tăng vài chục phần trăm rồi chứ không phải một con số nữa đâu!

Nhiều người dự tính xây nhà, làm xưởng dựa trên số tiền dành dụm có được nay phải vay thêm vài chục phần trăm vì giá nguyên vật liệu đã tăng đáng kể.

Về phía người dân và doanh nghiệp, ông bà xưa nói mỗi khi khó khăn là phải "thắt lưng buộc bụng" và "giật gấu vá vai" vậy!

Người dân và doanh nghiệp phải chịu áp lực chi phí gia tăng trong khi thu nhập không hoặc chưa tăng kịp tốc độ tăng giá. Các loại hàng hóa đều đang tìm mặt bằng giá mới, giá điện và xăng dầu có xu hướng được thả nổi theo thị trường. Nói các khác, chúng ta phải trả giá cho sự thiếu hiệu quả và bất hợp lý của nền kinh tế trong quá khứ. Cái giá phải trả có thể là vài chục phần trăm thu nhập hàng tháng bị suy giảm hay nghiêm trọng hơn là một sự mất đà trong phát triển kinh tế cho những năm sắp tới.

Doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí, người dân phải cắt giảm chi tiêu cho gia đình. Tăng cường tiết kiệm năng lượng, cải cách cơ cấu tổ chức, tối ưu hóa chi phí vận hành và hoạt động của bộ máy doanh nghiệp. Ưu tiên các dự án ngắn hạn, có hiệu quả và quay vòng vốn nhanh. Tạm dừng các khoản vay dài hạn lãi suất cao. Xoay xở tìm các nguồn vốn rẻ hơn vay ngân hàng như vay người thân, bạn bè .v..v.

Tuy nhiên, ngắn hạn thì người dân và doanh nghiệp có thể phải ráng sức nhưng dài hạn sẽ gây bất ổn đối với nền kinh tế quốc gia.

Đã sắp bước vào nửa cuối năm 2011, nền kinh tế đã thấm mệt với thời kỳ khủng hoảng mấy năm liên tiếp, thị trường bất động sản và chứng khoán đều đang hết hơi, các kênh đầu tư sản xuất kinh doanh thì cũng đang kẹt vốn vì lãi suất quá cao, cần có các giải pháp hỗ trợ của chính phủ để vực dậy tinh thần doanh nghiệp và giúp đỡ các đối tượng có thu nhập thấp một cách rất cụ thể.

Nhìn vào những gì đã diễn ra, có thể thấy, những mệnh lệnh hành chính và sự can thiệp quá sâu vào thị trường không phải là giải pháp hiệu quả.

Theo Dien dan kinh te viet nam