Xã hội
Đầu tư vào DN niêm yết phá sản : “Chết oan” vì chậm thông tin

Tiếp nối bài

“Cảnh giác với cổ phiếu của DN bị phá sản”

đăng ngày 31/8/2011, kỳ này DĐDN tiếp tục phân tích kỹ hơn về những rủi ro của nhà đầu tư và giải pháp để cổ đông giảm thiểu được những rủi ro bởi sự thờ ơ trong công bố thông tin (CBTT) của DN.


 

DN hiện nay mới chỉ chú trọng công bố những thông tin “có lợi” cho DN,
còn những thông tin bất lợi thường... bỏ qua

Điều đáng nói hơn nữa, đây chưa hẳn là tiền lệ đầu tiên về DN có nguy cơ phá sản trên sàn chứng khoán. Và có lẽ sẽ không phải trường hợp sau cùng.

Thông tin muộn, lỗi tại ai ?

Trên nhiều diễn đàn chứng khoán, các nhà đầu tư cực lực “lên án” sự vô trách nhiệm trong việc không CBTT phá sản của DVD. Một nhà đầu tư bức xúc chia sẻ trên diễn đàn chứng khoán: Tại sao tòa án nhân dân TP HCM thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của ngân hàng ANZ từ ngày 10/5/2011 mà tới ngày 25/8 thông tin mới xuất hiện trên TTCK? Tại sao ngoài TAND TP HCM và DVD ra, Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) nơi DVD đăng ký niêm yết và UBCK NN (SSC) lại không biết ? Các Cty chứng khoán từng môi giới cổ phiếu DVD có biết thông tin này từ trước đó không, hay đã biết và thậm chí có môi giới đã ra lệnh chéo trong nhiều phiên...?

Những bức xúc kể trên cũng là nỗi lòng của rất nhiều cổ đông đang ôm phải mớ cổ phiếu DVD trong đợt phát hành gần nhất với tổng trị giá 70 tỷ đồng (sau đó bị SSC hủy phát hành). Và cũng là “đau khổ” của nhiều nhà đầu tư đã lỡ kẹt hàng hay bắt đáy DVD với thị giá dưới mệnh giá suốt thời gian thị trường sùi sụt vừa qua.

“Đồng tiền liền khúc ruột”, nhà đầu tư trước nguy cơ mất tiền, xót của là lẽ đương nhiên. Nhưng không phải bức xúc, chất vấn nào đặt ra đều xác đáng. Theo một luật sư thành viên Hội Luật sư TP HCM, việc HoSE không nắm thông tin tòa án thụ lý hồ sơ cho DN mở thủ tục phá sản, và chỉ CBTT sau khi nhận công văn của tòa án, là hoàn toàn hợp lý. Trong trường hợp cổ đông gặp thiệt hại do DN không CBTT mở thủ tục phá sản theo quy định trong vòng 72 giờ, cổ đông có thể đệ đơn khởi kiện DN đó.

Ai quản lý việc DNNY phá sản ?

Ông Lê Hải Trà - Ủy viên Thường trực HĐQT HoSE khẳng định với DĐDN: HoSE chỉ quản lý DN trên sàn chứng khoán, còn việc khai sinh hay “khai tử” DN, thì thẩm quyền thuộc về tòa án nơi DN đó đã đăng ký kinh doanh. Vì vậy, chỉ khi nào các cơ quan quản lý TTCK chính thức nhận được thông tin bằng văn bản từ tòa án, hay các tổ chức khác, với nội dung có liên quan đến DNNY hoặc đại chúng, thì mới có thẩm quyền và trách nhiệm xử lý, CBTT này.

Trước đó, cũng trong một trao đổi với DĐDN về vấn đề CBTT ra thị trường, ông Trà cho biết thông thường khi nhận được thông tin từ DN, HoSE sẽ thẩm định trong vòng 1-2 ngày và sau đó sẽ CBTT trên website của Sở bằng văn bản, họp báo, hoặc bằng những hình thức khác. Với trường hợp DVD được mở thủ tục phá sản, HoSE đã CBTT 1 ngày sau khi nhận được công văn chính thức.

Đối với các trường DNNY vi phạm CBTT, mức phạt cao nhất trên thị trường chính là nhà đầu tư sẽ quay lưng lại với cổ phiếu của DNNY đó. Đáng tiếc là trong trường hợp DVD thì “mức phạt cao nhất của thị trường” cũng sẽ không có ý nghĩa. Vì các nhà đầu tư và cổ đông DVD cho dù đang rất muốn thoát ra khỏi DVD, vẫn đang phải “ngậm cổ phiếu nuốt cay”. Tấn “bi hài kịch” tháo chạy khỏi DVD xuất hiện ngay sau thông tin mở thủ tục phá sản nhưng hầu hết lệnh đặt bán ra đã không có hồi âm. Một lệnh mua 1.000 cổ phiếu DVD lạc lõng vừa nhảy bảng, lập tức bị các nhà đầu tư đặt nghi vấn là “mồi” cho những lệnh mua khác. Một số nhà đầu tư khác thì lên phương án tự vệ vốn liếng của mình bằng cách án binh bất động, tránh “bẫy” thông tin phá sản kích các cổ đông DVD xả hàng và qua đó có cơ hội mua gom được nhiều cổ phiếu DVD với khối lượng lớn, không chịu chi phí cao.

Nhà đầu tư nên tự bảo vệ!

Theo quan sát của giới đầu tư nói chung, “bẫy” kích thoát DVD rất ít có khả năng xảy ra, bởi chỉ cách đây mấy tháng, ngay sau Đại hội cổ đông hồi tháng 3, cổ đông lớn của DVD là quỹ PENN II thuộc tập đoàn BankInvest đã thoái vốn toàn bộ 3,6 triệu cổ phiếu, tương đương 30% vốn DVD, chấp nhận lỗ hơn 200 tỉ đồng và “rút” khỏi ghế thành viên hội đồng quản trị. Điều đó chứng tỏ cổ đông lớn này đã nắm được viễn cảnh gần của DVD.

Cổ đông nhỏ, lẻ còn lại “la làng” vì không kịp “thoát”. Họ “lên án” tại sao HoSE và SSC không cho ngừng giao dịch cổ phiếu DVD khi chủ nợ đã nộp đơn lên UBND TP HCM hoặc DVD không nộp hàng loạt báo cáo, trong đó có báo tài chính từ quý 4/2010?

Theo ông Lê Hải Trà, hiện nay HoSE đang xem xét việc hủy niêm yết DVD. Nhưng không phải nói muốn hủy là hủy ngay được mà điều đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có cả việc xem xét hồ sơ và tiến hành theo đúng quy định của Luật Chứng khoán. Ông Trà cũng cho rằng hiện tượng DVD mở thủ tục phá sản không phải là “tin sốc” đối với thị trường và nhà đầu tư, mà đây là kết quả của một quá trình dài, từ lúc DVD thâu tóm DHT (Dược Hà Tây) bất thành tới việc cơ quan chức năng điều tra, khởi tố cựu Chủ tịch HĐQT DVD và các nhân vật có liên quan trong việc thao túng giá DHT. HoSE cũng đã đưa DVD vào diện cổ phiếu bị cảnh báo. Do đó, tác động của thông tin DVD bị lâm vào tình trạng phá sản tới thị trường sẽ không quá lớn.

Từ hiện tượng DVD, xa hơn trở về trước là các DN từng ngấp nghé bên bờ vực phá sản như BBT, CDV..., gần hơn là Báo cáo thường niên chỉ số tín nhiệm VN năm 2011 công bố  khoảng 1,17%/ 596 DNNY có nguy cơ phá sản; thì với những tín hiệu này, có lẽ đã đến lúc nhà đầu tư chứng khoán cần xem lại danh mục và chiến lược đầu tư của mình. 1,17%, tương đương 7 DNNY trong bảng nghiên cứu xếp hạng hiện đang đối mặt với nguy cơ phá sản (chưa tính những DNNY lọt bảng, vì tính đến thời điểm 30/8, 2 sàn chứng khoán đang có hơn 700 DNNY). Đó không hẳn là một con số lớn. Nhưng cũng không hề là nguy cơ nhỏ. “Đã tới lúc các cổ đông, nhà đầu tư cần tự bảo vệ mình, bảo vệ tiền của mình bằng cách tự chọn lọc danh mục đầu tư, đặt mục tiêu đầu tư rõ ràng cùng với một khả năng chấp nhận rủi ro trong chừng mực có thể chịu được, thay vì đầu tư “ào ào” để rồi khi DN phá sản, mất cả chì lẫn chài”, một chuyên gia cảnh báo. 

Câu hỏi cuối cùng đặt ra là: Tại sao trên sàn chứng khoán có hàng trăm mã cổ phiếu tốt, hấp dẫn, và minh bạch, nhà đầu tư lại “đâm đầu” vào những cổ phiếu đầy rủi ro như DVD, hay những cổ phiếu hoạt động yếu kém, thua lỗ kéo dài, không tự chủ về tài chính và không có khả năng trả nợ, đặc biệt là những cổ phiếu thuộc DN “nổi tiếng” về thiếu minh bạch? Đó là tâm tư của một nhà đầu tư trên diễn đàn Vietstock. Một tâm tư rất đáng được chia sẻ để những ai đang gắn bó với chứng khoán cùng suy ngẫm!

Lê Mỹ