Góc Công sở
Khi dân công sở “dính” bệnh “cú đêm”

Chẳng phải do vướng bận chuyện gia đình, cũng không vì trăm công nghìn việc, nhưng nhiều người vẫn tự tạo cho mình cái thói quen “đêm thức như cú, ngày ngủ như… heo”.

Vật vờ đêm trắng
 
Hoàng Tuấn (nhân viên kỹ thuật của công ty T, quận 3) chia sẻ: “Mình đi làm đã được 3,4 năm rồi, nhưng vẫn chưa bỏ được thói quen ngủ nướng thời sinh viên. Lúc còn đi học và bây giờ, mình đều không thể ngủ trước 3h sáng. Vì thế, nên dù công ty 8h mới bắt đầu vào giờ làm việc nhưng mình vẫn thường đến công ty muộn. Nhiều hôm thức chẳng biết làm gì, cố nằm nhưng cũng không ngủ được, thế nên đành dậy, ngồi tám chuyện với bạn bè, xem phim cho mệt rồi mới ngủ”.
 

Còn V.H. - nhân viên một công ty tin học lại có sở thích chơi game online. H. thường nói với bạn bè rằng “dân tin học phải biết chơi game mới không nhục mặt”, và thế là để không thua kém anh em, việc thâu đêm suốt sáng là chuyện đã trở nên quá bình thường. Chính vì thói quen đã ngấm vào máu thịt ấy mà chẳng sáng nào H có mặt đúng giờ làm. Và đương nhiên, cậu ta thường đến công ty với đôi mắt đục ngầu vì thiếu ngủ do những pha thức đêm “làm nhiệm vụ” cho nhân vật trong game.

 

 
 
Các nhân viên trẻ thường khó bỏ thói quen ăn ngủ thất thường mà họ đã có từ thời còn là sinh viên tự do bay nhảy, không cần lo nghĩ, nhất là những người chưa có gia đình. Thế nhưng, khi có gia đình rồi. thì không ít người trong số họ vẫn vướng phải những vấn đề gia đình, từ trông nom chuyện nhà cửa, chăm sóc con cái, cho đến cả những chuyện như nửa đêm con khóc, vợ chồng cãi nhau... Với đủ thứ lí do như vậy, không ít người đã dần để cho mình hình thành thói quen thức khuya đến mức sáng hôm sau không tài nào dậy nổi để đi làm cho đúng giờ. 
 
Ở nhiều công ty, trước tình trạng giờ đi làm thất thường, vô kỷ luật này, dù cho sếp có hiền và bao dung đến mấy cũng phải cố tìm biện pháp khắc phục, và phương pháp có hiệu quả nhất thường là áp dụng mức phạt về tài chính. Lan Thu (trưởng phòng kế hoạch công ty xăng dầu M) chia sẻ: “Giờ làm việc của công ty mình là 8h, thế nhưng mình luôn phải có mặt trước 15-20 phút để cho cấp dưới vào làm đúng giờ. Hôm nào mình bận hay đi công tác, y như rằng 9h gọi lên vẫn thiếu người này người kia. Nhắc mãi vẫn không cải thiện, mình phải đưa ra biện pháp phạt tiền tùy theo mức độ vi phạm vì nhiều nhân viên cứ cố tình đi trễ”.
 
Gật gù ngày sau
 

Với những người thức khuya để hoàn tất công việc, cho dù thiếu ngủ nhưng ngày hôm sau họ vẫn có thể giải quyết tốt công việc. Bởi vì với họ, thức khuya không phải là thói quen, chỉ thi thoảng do công việc bận rộn nên chỉ có một vài ngày như vậy. Thế nhưng, với những người thường xuyên thức khuya dậy muộn, thì việc đi làm đúng giờ và tập trung cao độ cho công việc lại là một gánh nặng khó đỡ nổi dài lâu.

 
Quỳnh Anh (nhân viên kế toán) thật thà kể: “Nhiều hôm mình ngồi cộng sổ sách và làm quyết toán hợp đồng mà hai mắt cứ díp lại, kết quả là công sức buổi sáng đi tong, chiều lại hì hụi ngồi làm lại từ đầu. Cũng may là chưa lần nào bị sếp bắt gặp lúc đang gà gật như thế”.
 
Không được may mắn như Quỳnh Anh, M. hiện đang đứng trước “giàn treo cổ” khi một lần bị sếp phó chính tay lay dậy mà miệng còn chóp chép “Chúng mày để yên để tao ngủ cái nào”, đấy là chưa kể đến vụ cô ngơ ngáo, mắt lờ đờ thả hồn tưởng nhớ đến giường rộng gối êm mà “quên” ghi báo cáo ngay trong một cuộc họp quan trọng của chi nhánh.
 
Đối với Tuấn (nhân viên hành chính) thì có đỡ hơn. Từ khi công ty anh sử dụng nhận dạng vân tay để chấm công, tiền lương hàng tháng của Hùng cứ hao hụt dần vì đi trễ. Thời gian đầu, anh liên tục bị sếp nhắc nhở vì không tuân thủ giờ giấc công ty. Hùng tâm sự: “Từ ngày chấm công bằng cách lấy dấu vân tay, mình phải cố gắng đi ngủ thật sớm, có hôm mới 7h tối thấy buồn ngủ là mình đi ngủ liền chứ nếu để qua cơn lại không ngủ được. Cũng nhờ thế mà bây giờ giấc ngủ của mình đã tương đối ổn định trở lại không còn thức quá khuya như trước nữa”.
 
Thức đêm là một thói quen không tốt mà nhiều người trong chúng ta biết nhưng vẫn vô tư quên mất vì những công việc và những thói quen khó bỏ. Tuy nhiên chúng ta nên cân đối thời gian để có thể đi ngủ sớm giữ sức khỏe, bởi ngày hôm sau chúng ta cần có một cơ thể khỏe mạnh, đầu óc minh mẫn nhằm giải quyết công việc tốt nhất.


Theo PLXH